Qua đời và hậu sự Trần Thị Đang

Qua đời

Tháng 8 ngày 13 năm Thiệu Trị thứ 6[24] (tức 2 tháng 10 năm 1846), Thái hoàng thái hậu lâm bệnh nặng, qua giờ Dậu[24] ngày 18 tháng 9 âm lịch (tức ngày 6 tháng 11 dương lịch) thì qua đời, hưởng thọ 77 tuổi, quan tài để ở cung Từ Thọ [25]. Tháng 11 ngày 20 (tức 6 tháng 1 năm 1847), Hiến Tổ Thiệu Trị dâng tôn hiệu là Thuận Thiên Hưng Thánh Quang Dụ Hóa Cơ Nhân Tuyên Từ Khánh Đức Trạch Nguyên Công Cao Hoàng hậu (順天興聖光裕化基仁宣慈慶德澤元功高皇后)[25], gọi tắt là Thuận Thiên Cao Hoàng Hậu (順天高皇后). Sách văn rằng:

Có đức lớn trong thiên hạ, tất được tiếng to trong thiên hạ. Cho nên lễ tôn huy hiệu chép ở kinh mà văn thuật đức để trong sách.

Kính nghĩ: Hoàng tổ tỷ, đại hành Nhân Tuyên Từ Khánh Phúc Thọ Khang Ninh Thái hoàng thái hậu, nêu đức tốt bao hàm rộng rãi, nối tiếng tốt chay kính thân yêu. Đức gặp đất dày, giúp công thành thịnh cho nhà Hạ[Ghi chú 13]; ấn thần điềm tốt[Ghi chú 14], chịu mệnh trời sinh ra nhà Thương[Ghi chú 15]. Đức sáng lâu dài để ở xã tắc ; giáo hoá gây dựng, làm phép cho nước nhà. Lòng nhân rộng yêu người mà tiếng thánh thiện nghe khắp ; đức hiền họp hoà khí mà hưởng phúc thọ được tôn vinh. Ba triều hợp phúc[Ghi chú 16], ngũ đại đồng đường. Đức ban ra khắp tám phương xa cách ; công giúp rợp ngang đất chở trời che. Suy nguyên điềm lành phúc tốt từ đâu, vô cùng cảm mộ; ngửa trông đại đức chí nhân khó nói, khôn xứng báo đền ! Tra xét điển thường, hợp lòng công luận ; thỉnh mệnh các miếu, thân đem Tôn nhân phủ và các quan văn võ, kính tiến sách vàng, ấn vàng, dâng tôn thuỵ là : Thuận Thiên Hưng Thánh Quang Dụ Hoá Cơ Nhân Tuyên Từ Khánh Đức Trạch Nguyên Công Cao Hoàng hậu.

Cúi xin sáng tỏ tôn hiệu to, nêu ra Phúc lành tốt. Sánh trời cao sáng, cùng dài lâu đến chỗ vô ngần ; hưởng tế cảm thông, mong nối dõi về sau còn mãi. [26]

— Sách văn dâng thụy - Đại Nam thực lục

Hậu sự

Lăng mộ của Thuận Thiên Cao Hoàng hậu nằm ở bên phải lăng Thiên Thọ, trên núi Thuận Sơn, huyện Hương Trà, gọi là lăng Thiên Thọ Hữu. Bên phải núi Thuận Sơn là núi Mỹ Sơn dựng điện Gia Thành để thờ cúng.

Cuối thời Minh Mạng, vua phái văn võ đại thần, Khâm thiên giám cùng thầy địa lý tìm đất tốt gần lăng Thiên Thọ, cuối cùng chọn được ngôi đất tốt ở Thuận Sơn, thích hợp làm phần mộ muôn năm lâu dài[27]. Vua cho rằng đất núi Thuận Sơn vừa gần với lăng Thiên Thọ mà lại ở về phía bên phải, theo lẽ đã thuận về tự nhiên; lại được cây tùng cây bách xanh tốt, núi sông ôm quanh, là một chỗ đất đặt mộ đẹp đẽ[28]. Sau này Cao Bá Quát cũng từng có chùm 7 bài thơ cảm thán vẻ đẹp của lăng Thiên Thọ Hữu, có tên là Cung nghĩ Gia Thành điện thiên hoa thiếp tử thất thủ (恭擬嘉成殿天花帖子七首).

Năm Thiệu Trị thứ 5, tháng 9 ngày Canh Tuất (tức 16 tháng 11 năm 1846), xây nhà lăng trên núi Thuận Sơn. Các công trình như huyền cung, bảo thành, lăng tẩm, nhà cửa được sửa sang. Công việc làm xong, dâng tên hiệu : lăng lấy tên là lăng Thiên Thọ Hữu, điện gọi là điện Gia Thành, cửa gọi là cửa Minh Ý[29].

Năm Thiệu Trị thứ 6, tháng 12, ngày 7 (tức 23 tháng 1 năm 1847), giờ Dần, Hoàng đế Thiệu Trị cùng các quan đến bàn thờ ở cung Từ Thọ làm lễ tổ điện. Giờ Tỵ, linh giá đến bến sông Kinh thành, lên thuyền rồi làm lễ điện ban trưa do hoàng tử, hoàng thân trong ban trực làm lễ[30]. Lễ xong, linh giá đi tiếp. Ngày hôm sau, linh giá đi qua lăng Cơ Thánh của Hưng tổ Hoàng đế. Ngày 9 (tức 25 tháng 1 năm 1847), làm lễ điện buổi sáng xong, rước linh giá lên bộ. Giờ Tý hạ huyệt[30]. Cùng ngày, thần chủ của bà được rước về cung Từ Thọ[31]. Khi rước linh giá đi từ cung Từ Thọ và lần đưa thần chủ trở về, nếu là đường bộ Hoàng đế Thiệu Trị đi võng theo sau, khi đi đường thủy thì đi thuyền ngự theo hộ vệ[30].

Năm Tự Đức thứ nhất, tháng 11 ngày Canh thìn (tức ngày 5 tháng 12 năm 1848), thần chủ của bà được rước về thờ ở Chánh án Thế Miếu, ở phía Tây thần chủ của Thế Tổ, thánh vị đặt tại gian giữa điện Phụng Tiên[32].